ĐỒ VẬT KHÔNG NÊN ĐỂ TRONG Ô TÔ DỄ GÂY CHÁY NỔ LÀ GÌ.
Khi đỗ ô tô lâu dưới trời nắng nóng không có bóng râm hay tấm che nắng xe, nhiệt độ khoang cabin có thể tăng lên hơn 50 độ C, những khu vực gần kính lái hay kính cửa sổ tăng đến 60 – 80 độ C. Lúc này, nếu để các đồ vật “nhạy cảm” trong xe sẽ rất dễ bị biến tính hay gây ra cháy nổ.
THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ
Không nên để các thiết bị điện tử như: điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy ảnh, pin sạc dự phòng… trong xe khi đỗ lâu dưới trời nắng nóng. Bởi nhiệt độ tăng cao sẽ có thể ảnh hưởng đến hoạt động cũng như tuổi thọ của những thiết bị này.
Đặc biệt, hầu hết trong các thiết bị điện tử đều dùng pin, phổ biến là pin lithium. Loại pin này tuy đạt chuẩn an toàn nhưng vẫn có rủi ro phát nổ, nhất là với pin kém chất lượng hay khi các cell bên trong pin bị vỡ. Không chỉ thiết bị rơi rớt bị biến đổi cấu trúc cơ học mà nhiệt độ môi trường quá cao cũng có thể làm các cell pin bị vỡ.
Nếu cell pin vỡ, hiện tượng cộng hưởng nhiệt và pin sẽ khiến nó càng nóng hơn. Khi nhiệt độ pin lên đến giới hạn, hiện tượng “chạy trốn nhiệt” xảy ra và kết quả là pin phát nổ.
BẬT LỬA
Bật lửa gas không hẳn nguy hiểm. Tuy nhiên vật dụng này nguy hiểm thực sự nếu sản phẩm bị lỗi, vỏ nhựa bên ngoài bị nứt/vỡ và đặc biệt là để nó trong môi trường nhiệt độ cao. Nhiều tài xế thường có thói quen để bật lửa trên taplo, hộc cánh cửa hay các ngăn ở bệ trung tâm cần số. Đây đều là những vị trí nhiệt độ dễ tăng ngất ngưỡng khi đỗ xe lâu dưới trời nắng.
Khi bật lửa bị rò rỉ khí gas, chỉ cần gặp oxy trong không khí, cộng thêm môi trường nhiệt độ cao hay có tia lửa điện (dù rất nhỏ) sẽ rất dễ phát nổ. Bật lửa không nhất thiết phải nứt vỡ mới phát nổ. Ngay cả bật lửa lành lặn nhưng nếu gặp nhiệt độ cao thì áp suất gas bên trong sẽ tăng lên, khi đến giới hạn cũng phát nổ.
BÌNH CHỮA CHÁY
Bình chữa cháy loại khí nén áp suất cao thông thường cần được bảo quản tại những nơi có nhiệt độ từ -10 độ C đến 55 – 60 độ C (tuỳ loại). Trong khi xe ô tô đậu lâu dưới trời nắng không có vật che chắn thì nhiệt độ khoang cabin có thể lên đến 60 độ thậm chí hơn. Điều này vượt quá ngưỡng chịu của bình chữa cháy. Khi nhiệt độ tăng, thể tích chất lỏng bên trong bình cũng tăng theo, nếu áp suất đủ lớn sẽ phát nổ.
Để tránh nguy hiểm, không nên đặt bình chữa cháy ở những nơi hứng ánh nắng mặt trời, nơi nhiệt độ dễ tăng cao như: sau kính lái, khu vực taplo, bệ trung tâm, cửa xe, kính sau xe… Ngoài ra chỉ nên dùng bình chữa cháy loại bọt chất lượng cao, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Và đừng quên đọc kỹ hướng dẫn kỹ thuật trên bình khi chọn mua.
THỨC ĂN, ĐỒ UỐNG
Thức ăn và đồ uống là những vật cấm kỵ để trong ô tô khi đỗ lâu dưới trời nắng. Bởi nhiệt độ cao có thể làm thức ăn, đồ uống bị nóng chảy, biến tính, ảnh hưởng đến chất lượng, khiến không còn dùng được hay gây hại sức khoẻ khi dùng.
Đặc biệt không nên để chai nước suối ở vị trí ánh nắng có thể chiếu vào. Vì nếu ánh nắng chiếu ngay đường cong của chai nước thì vô tình chai nước sẽ trở thành một chiếc thấu kính hội tụ, tập trung ánh sáng và kèm theo nhiệt năng. Khi nhiệt độ tăng lên đủ lớn chai nước có thể bị bốc cháy, rất nguy hiểm. Tương tự với các loại nước có gas cũng nên tránh để trong xe khi đậu lâu dưới nắng.
DƯỢC PHẨM, MỸ PHẨM
Nhiều người có thói quen để dược phẩm (các loại thuốc, thực phẩm chức năng…) hay mỹ phẩm (kem chống nắng, son, phấn…) trong xe phòng có dùng ngay lúc cần thiết. Tuy nhiên, nếu đậu đỗ xe lâu dưới trời nắng không có vật che chắn thì khi ra khỏi xe tốt nhất nên mang theo tất cả. Vì nhiệt độ cao dễ làm dược phẩm, mỹ phẩm bị biến đổi tính chất, giảm chất lượng, thậm chí còn có thể gây ra các phản ứng hoá học, sản sinh độc tố.
- Vận tải Nguyễn Lê tổng hợp -
Mời quý khách nhập thông tin nội dung bình luận