TẢI TRỌNG VÀ KHỔ GIỚI HẠN CỦA ĐƯỜNG BỘ

[Quy Tắc Giao Thông Đường Bộ] TẢI TRỌNG VÀ KHỔ GIỚI HẠN CỦA ĐƯỜNG BỘ

Điều 28, Luật giao thông đường bộ năm 2008

ĐIỀU 28. TẢI TRỌNG VÀ KHỔ GIỚI HẠN CỦA ĐƯỜNG BỘ

1. Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

2. Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; quy định việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường.

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ do địa phương quản lý.

QUY ĐỊNH VỀ TẢI TRỌNG, KHỔ GIỚI HẠN ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Khoản 1, Khoản 3, Điều 28, Luật giao thông đường bộ năm 2008, quy định tải trọng, khổ giới hạn đường bộ:

Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Tải trọng là khối lượng hàng hóa mà phương tiện vận chuyển.

Khổ giới hạn đường bộ là là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ:

Tải trọng đường bộ theo quy định: Tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu và đường để bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế. Khả năng chịu tải khai thác của cầu được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế tổng trọng lượng xe qua cầu theo quy định về báo hiệu đường bộ. Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế trọng lượng trên trục xe theo quy định về báo hiệu đường bộ.

Khổ giới hạn đường bộ theo quy định:

Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.

Khổ giới hạn về chiều cao của đường bộ là 4,75 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, II, III và 4,5 mét đối với đường cấp IV trở xuống. Khổ giới hạn về chiều rộng của đường bộ là giới hạn chiều rộng làn xe, phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường.

Công bố tải trọng, khổ giới hạn đường bộ bao gồm giới hạn tải trọng trục xe và giới hạn tổng trọng lượng xe:

Giới hạn tải trọng trục xe:

Trục đơn: tải trọng trục xe ≤ 10 tấn;

cụm trục kép, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục: Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 11 tấn;

trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 16 tấn; trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 18 tấn.

Cụm trục ba, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề: Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 21 tấn; trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 24 tấn.

Giới hạn tổng trọng lượng của xe:

Đối với xe thân liền có tổng số trục: Bằng hai, tổng trọng lượng của xe ≤ 16 tấn;

Đối với xe thân liền có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤ 24 tấn;

Đối với xe thân liền có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤ 30 tấn;

Đối với xe thân liền có tổng số trục bằng năm hoặc lớn hơn và khoảng cách tính từ tâm trục đầu tiên đến tâm trục cuối cùng: nhỏ hơn hoặc bằng 7 mét, tổng trọng lượng của xe ≤ 32 tấn; lớn hơn 7 mét, tổng trọng lượng của xe ≤ 34 tấn.

Đối với tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc có tổng số trục: Bằng ba, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 26 tấn; bằng bốn, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 34 tấn; bằng năm và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơmi rơ moóc: Từ 3,2 mét đến 4,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 38 tấn; lớn hơn 4,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 42 tấn; bằng sáu hoặc lớn hơn và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơmi rơ moóc: Từ 3,2 mét đến 4,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 40 tấn; trường hợp chở một container, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 42 tấn; lớn hơn 4,5 mét đến 6,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 44 tấn; lớn hơn 6,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 48 tấn.

Quy định việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường: Chỉ cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (sau đây gọi là Giấy phép lưu hành xe) trên đường bộ trong những trường hợp đặc biệt, khi không còn phương án vận chuyển nào khác hoặc không thể sử dụng chủng loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác phù hợp để vận chuyển trên đường bộ.

QUY ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP XE QUÁ TẢI TRỌNG, QUÁ KHỔ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

- Căn cứ Khoản 2, Điều 28, Luật giao thông đường bộ năm 2008, quy định trường hợp xe quá tải trọng, quá khổ giới đường bộ:

Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông.

Xe quá tải trọng là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ.

Xe quá khổ giới hạn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có một trong các kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) vượt quá kích thước tối đa cho phép của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ, cụ thể là: Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe; chiều rộng lớn hơn 2,5 mét; chiều  cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét (trừ xe chở container).

Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép xe lưu hành đường bộ là Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ.

Việc lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn trên đường bộ phải bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình đường bộ. Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, người vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện khi lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ phải thực hiện các quy định: Có Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn trên đường bộ do cơ quan có thẩm quyền cấp; tuân thủ các quy định được ghi trong Giấy phép lưu hành xe.

QUY ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH CÔNG BỐ VỀ TẢI TRỌNG, KHỔ GIỚI HẠN CỦA ĐƯỜNG BỘ

- Căn cứ Khoản 4, Điều 28, Luật giao thông đường bộ năm 2008 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ:

Cụ thể là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 77/2013/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2013, quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cụ thể là:

Tải trọng trục xe gồm có trục đơn và cụm trục kép. Trục đơn: Tải trọng trục xe ≤ 10 tấn/trục. Cụm trục kép (hai trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục: Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 11 tấn. Trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 16 tấn. Trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 18 tấn. Cụm trục ba (ba trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề: Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 21 tấn. Trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 24 tấn.

Tổng trọng lượng của xe: Đối với xe thân liền: Có tổng số trục bằng hai, tổng trọng lượng của xe ≤ 16 tấn; có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤ 24 tấn; có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤ 30 tấn; có tổng số trục bằng năm hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe ≤ 34 tấn. Đối với tổ hợp xe đầu kéo với rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc: có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤ 26 tấn; có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤ 34 tấn; có tổng số trục bằng năm, tổng trọng lượng của xe ≤ 44 tấn; có tổng số trục bằng sáu hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe ≤ 48 tấn.

Đánh giá trung bình 0/5 ( 0 Nhận xét )
5 0
4 0
3 0
2 0
1 0
Chia sẻ cảm nhận của bạn Viết nhận xét của bạn

Mời quý khách nhập thông tin nội dung bình luận

* Rating
2279 *
Messenger